TS. DS. Nguyễn Hữu Đức
Tủ thuốc có thể treo lên tường, vách. Cần lưu ý: Nơi đặt tủ
phải khô ráo, mát, không bị ánh nắng chiếu vào (không nên để trong buồng tắm vì
sự ẩm ướt làm thuốc mau hỏng). Tủ đặt như thế nào để trẻ không tìm cách với tới
được hoặc nếu trẻ có khả năng với tới thì tủ phải có khóa với chìa khóa được cất
ở nơi chỉ riêng những người lớn trong gia đình biết. Nếu không có điều kiện đóng
hoặc mua tủ nhỏ, ta có thể tạm đặt thuốc trong ngăn kéo bàn hoặc trong một hộc
của tủ lớn. Để dễ tìm, nên sắp thành 3 loại đặt ở 3 chỗ khác nhau.
1. Loại bác sĩ kê đơn và người trong gia đình đang sử dụng.
Thuốc này cần để riêng ra một nơi và tốt hơn hết nên để trong bao gói có ghi
loại thuốc gì, dùng như thế nào (mỗi lần uống mấy viên, ngày uống mấy lần, uống
vào lúc nào, có điều gì cần lưu ý...).
2. Loại thường dùng, để trị một số chứng bệnh nhẹ hay gặp:
thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc trị ho, tiêu chảy, táo bón, khó tiêu đầy bụng, dị
ứng, v.v...
3. Loại dùng ngoài: Povidine, Betadine (bôi ngoài da sát
trùng), nước oxy già (eau oxygénée), cồn 70o..., bông băng, một số vật dụng y tế
(kéo, nhiệt kế), thuốc nhỏ mắt, thuốc nhỏ mũi.
Đối với thuốc dùng trong (tức loại để uống) nên sắp đặt riêng:
thuốc dành cho người lớn và thuốc dành cho trẻ con, không nên để lẫn lộn.
Nếu thuốc có bao bì, nên giữ trong bao bì kể cả bảng hướng dẫn
sử dụng. Tất cả các loại viên rời đều phải đựng trong chai, lọ sạch có nắp đậy
và các chai lọ này đều phải dán nhãn ghi rõ tên thuốc. Thuốc dành cho người lớn,
nên ghi thêm câu trên nhãn: “người lớn”. Nếu có hạn dùng phải ghi rõ và thường
xuyên theo dõi, khi quá hạn phải bỏ đi, thay thuốc mới vào. Để giữ nhãn thuốc
tốt, có thể dùng băng keo trong dán chồng lên. Sau cùng, ta nên để sẵn một đèn
pin ở đầu giường ngủ phòng khi đêm tối cúp điện. Tránh việc mò mẫm lấy thuốc
trong tình trạng không đọc được tên thuốc.
|