Axit béo omega 3 là gì?
Chúng là thành phần dinh dưỡng mà được các nhà nghiên cứu phát hiện, đặt tên cách đây 20 năm và những giá trị của phát hiện đó vẫn còn cho đến nay, đặc biệt là những người quan tâm tới sức khỏe tim mạch.
Ích lợi từ omega 3
Vào đầu những năm 80, nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ cư dân Inuit, cư dân cổ xưa nhất vùng phương Bắc, bị bệnh tim mạch rất thấp mặc dù họ ăn rất nhiều loại cá có hàm lượng chất béo cao. Kết quả là họ phát hiện ra rằng axit béo omega 3 trong cá có tác dụng bảo vệ tim mạch và rất nhiều lợi ích sức khỏe khác nữa như giảm chất béo không có lợi triglycerides và tăng cholesterol tốt; có tác dụng chống đông tụ giúp ngăn ngừa hiện tượng máu vón cục.
Một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng axit béo này còn giúp giảm huyết áp ở những người bị huyết áp cao.
Theo kết quả nghiên cứu mới nhất trên động vật, axit béo omega 3 còn bảo vệ cơ thể ngăn cản sự tích tụ của các protein mà được xem là có liên quan với bệnh Alzheimer.
Trong các loại axit béo omega 3, Docosahexaenoic acid (DHA) được xem là mang lại kết quả khả quan nhất.
Omega 3 trong cá hay thực vật?
Do số người ăn chay ngày càng gia tăng và nỗi lo sợ chất thủy ngân và các chất độc khác có trong hải sản nên con người ngày càng ưa chuộng sử dụng dầu hạt lanh (có chứa axit alpha-linolenic – ALA) thay vì dầu cá.
Cơ thể sẽ biến đổi ALA thành axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA) - thành phần chính của axit béo omega 3 nhưng quá trình chuyển hóa này diễn ra rất chậm. Thêm nữa, quá nhiều ALA (thường gặp trong các viên nang dầu hạt lanh) có liên quan với khả năng gia tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến. Cho tới nay, an toàn nhất với nam giới vẫn là dầu cá chứ không phải là dầu thực vật có nguồn gốc từ hạt lanh.
Axit béo omega 3 ở đâu?
Tất cả các loài cá đều có axit béo omega 3 nhưng tập trung nhiều nhất ở các loài “cá béo” như cá kiếm, cá hồi, cá mòi và cá trích. Viện Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị nên ăn cá ít nhất 2 lần/tuần.
Nhiều sản phẩm thực phẩm thương mại như bánh mỳ, các sản phẩm nướng, sữa chua và sữa công thức đều bổ sung thêm axit omega 3.
Những nguồn thực phẩm giàu axit omega 3: rau lá xanh sẫm, đỗ tương và đậu phụ; các loại hạt như hạt hướng dương, hạt vừng, hạt điều và hạt lanh; các loại dầu ăn như dầu hạt lanh, dầu hạt cải và dầu nành; trứng.
Dầu gan cá tuyết không phải là nguồn axit omega 3 tốt do có lượng vitamin A và D cao, dễ gây ngộ độc.
Nhân Hà
Theo Reuters